Chào mừng bạn đến với xaydung4.edu.vn trong bài viết về Phân tích bài thơ sóng chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm chuyên sâu của mình cung cấp kiến thức chuyên sâu dành cho bạn.
Tiếp nối các bài thơ trước, đội ngũ chúng tôi xin giới thiệu cách phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. Đây là bài thơ thường xuyên xuất hiện trong các đề thi THPT Quốc gia và Đại học.
PHÂN TÍCH BÀI THƠSÓNG – XUÂN QUỲNH
PHẦN I. Hướng dẫn mở bài phân tích thơ Sóng
I. Tìm hiểu chung bài thơ Sóng
- 1. Tác giả Xuân Quỳnh
– Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ thời chống Mĩ.
– Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân
thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường.
– Năm 2001, Xuân Quỳnh được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT.
– Tác phẩm chính: Hoa dọc chiến hào, Gió Lào cát trắng, Tự hát, Sân ga chiều em đi …
- 2. Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Sóng
“Sóng” được Xuân Quỳnh viết ngày 29/12/1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình). Đây là bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ in lần đầu trong tập “Hoa dọc chiến hào” (1968).
* Chủ đề:
Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ trong tình yêu với tất cả sự dịu dàng, đằm thắm, thiết tha, sôi nổi và chung thủy.
- 3. Ý nghĩa hình tượng “Sóng”
– Sóng là hình ảnh có thực trong thế giới tự nhiên sống động, gợi cảm.
– “Sóng” là hình tượng nghệ thuật độc đáo, xuyên suốt bài thơ, mang tính ẩn dụ để diễn đạt tình yêu của người phụ nữ.
- 4. Sơ đồ tư duy bài thơ Sóng
Xem thêm: Gia sư Ngữ Văn
PHẦN II. Hướng dẫn thân bài phân tích bài thơ Sóng
II. Tìm hiểu văn bản
- 1. Cảm nhận chung
– Âm hưởng bài thơi dạt dào, nhịp nhàng gợi ra nhịp các con sóng liên tiếp nối nhau, lúc trào lên sôi nổi, lúc êm dịu lắng sâu.
+ Chính thể thơ năm chữ, dòng thơ thường không ngắt nhịp và sự trở đi trở lại của hình tượng sóng đã tạo ra nhịp điệu và âm hưởng của bài thơ.
+ Tác giả mô tả nhịp điệu bên ngoài nhằm diễn tả nhịp điệu bên trong tâm hồn – những đợt sóng tình yêu dào dạt, sôi nổi, da diết, khát khao của người con gái.
-> Xuân Quỳnh mượn sóng để nói khát vọng tình yêu. Đó là một hình tượng đẹp rất phù hợp.
– Kết cấu bài thơ: Ngoài hình tượng “sóng” bao trùm còn có hình tượng “em”.
+ “Sóng” là hình ảnh ẩn dụ của tâm trạng người con gái đang yêu, là sự hóa thân của “em”.
+ Hai hình tượng “sóng” và “em” tuy là một nhưng lại phân đôi ra để soi chiếu vào nhau và cùng cộng hưởng. Nghĩa là tâm trạng người con gái đang yêu soi vào “sóng” để thấy mình rõ hơn, nhờ “sóng” để biểu hiện những trạng thái cảm xúc, những khát khao mãnh liệt của mình.
- 2. Cảm nhân cụ thể
- a. Suy tư về sóng – tình yêu (khổ 1,2)
*/ Khổ 1:
Dữ dội và dịu êm
…
Sóng tìm ra tận bể
– Những tính từ “dữ dội”, “dịu êm”, “ồn ào”, “lặng lẽ” nghĩa đen nói về các đặc điểm trái ngược và thống nhất của sóng trong tự nhiên theo không gian, theo thời gian. Lúc thế này, lúc thế khác, bề mặt dữ dội, bề sâu êm dịu và ngược lại. Còn nghĩa bóng nói về những mâu thuẫn khó hiểu, tâm trạng thất thường của người con gái khi yêu. Đó là quy luật của sóng nước, cũng là quy luật tâm lí của thiếu nữ.
– Mặt khác trong cảm nhận của nhà thơ, muốn hiểu được bản chất tình yêu của người thiếu nữ hay phụ nữ, người thanh niên, nam giới nói chung cần biết vượt qua hoặc bỏ qua cái nông nổi, ồn ào bề mặt hình thức để khám phá, chiếm lĩnh cái bản chất dịu êm, cái khiêm nhường lặng lẽ ẩn giấu bên trong.
– Cách mở đầu bài thơ bằng nhận xét, mô tả trực tiếp những đặc tính của thiên nhiên làm rõ những phẩm chất và quy luật tâm lí của con người khiến người đọc ngỡ ngàng, ngạc nhiên đến thú vị: “dữ dội – dịu êm, ồn ào – lặng lẽ”.
– Qua hai từ “sông” và “sóng”, nhà thơ muốn nói sóng sông khác sóng biển. Sóng từ ngàn năm vốn từ sông ra biển rộng, từ giới hạn chật hẹp tới không gian rộng lớn để thấy mình rõ hơn. Tương tự như thế, con người cũng có khát vọng hiểu được bề sâu rộng của tình yêu, khát vọng tìm thấy chính mình trong tình yêu. Đó là khát vọng muôn thuở của tuổi trẻ, đó là khát vọng muôn đòi của trái tim đang yêu. Nó trở thành điều rất thường tình của người phụ nữ.
*/ Khổ 2:
Ôi con sóng ngày xưa
…
Bồi hồi trong ngực trẻ
– Cái hay của khổ thơ này là tác giả đưa ra nhận xét khái quát nhưng đậm chất trực cảm, cảm xúc chân thành, hồn nhiên và hết sức đúng đắn. “Sóng” là quy luật vận động của tình yêu, của muôn đời, vĩnh hằng. Khát vọng tình yêu mãi mãi rung động xao xuyến, bồi hồi trái tim tuổi trẻ.
-> Nhận xét của nhà thơ thẳng thắn, mạnh bạo và chân thành.
- b. Suy tư về sóng và cội nguồn tình yêu đôi lứa (khổ 3,4)
– Khi yêu, người ta hay truy tìm căn nguyên, cội nguồn tình yêu của mình nhưng thường bất lực. Bởi tình yêu huyền diệu, khó lí giải.
+ Xuân Diệu (ông hoàng của thơ tình) đã đúc kết cái khó lí giải đó như một triết lí:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu
(“Vì sao?”)
+ Xuân Diệu dùng lí trí cố cắt nghĩa tình yêu từ hiện tượng bên ngoài.
+ Còn Xuân Quỳnh nhìn thẳng vào lòng mình và thú nhận chân thật, tự nhiên sự khó lí giải của tình yêu: “Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau”.
+ Giọng thơ đầy nữ tính như nói trong hơi thở thổn thức, choáng ngợp.
– Điều thú vị là nhà thơ liên hệ đến quy luật tự nhiên, xuất hiện một cách tình cờ và có căn cứ hợp lí:
Trước muôn trùng sóng bể
…
Từ nơi nào sóng lên?
+ Khi đứng trước biển, ngắm muôn nghìn lớp sóng bạc nhà thơ nảy sinh câu hỏi và tự tìm câu trả lời. Nếu quy luật của thiên nhiên là vô cùng vô tận thì quy luật của tình cảm, tình yêu cũng vậy. Sự bất lực của em trong câu tự trả lời: “Em cũng không biết nữa” đã nói lên điều này. Tuy nhiên, điều đó cũng không có gì quan trọng đối với những đôi lứa đang yêu. Với họ quan trọng nhất là những phút giây hiện tại.
+ Nếu đảo vị trí hai câu thơ: “Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau” vẫn có nghĩa nhưng thiên về lí trí, quá tỉnh táo, mà tình yêu tỉnh táo quá hóa giả dối, không thật.
- c. Suy tư về sóng và bản chất của tình yêu đôi lứa (khổ 5,6,7)
*/ Nỗi nhớ như là thuộc tính của tình yêu, Có yêu nhau mới nhớ.
– Xuân Diệu từng viết:
Uống xong lại khát là tình
Gặp rồi lại nhớ là mình với ta
– Hay Nguyễn Đình Thi cũng viết:
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm, mỗi miếng anh ăn
– Còn Xuân Quỳnh thể hiện nỗi nhớ trong tình yêu qua nhiều cung bậc:
+ Nỗi nhớ chiếm cả tầng sâu lẫn bề rộng: “dưới lòng sâu”, “trên mặt nước”
+ Nỗi nhớ bao trùm cả không gian: “xuôi về phương bắc”, “ngược về phương nam”, “Nơi nào em cũng nghĩ / Hướng về anh một phương”
+ Nỗi nhớ khắc khoải trong mọi thời gian:“Ngày đêm không ngủ được” / “Cả trong mơ còn thức”
– Tình yêu bao giờ cũng được thử thách trong không gian, thời gian. Và nỗi nhớ thương, trăn trở, khát khao được gặp gỡ là phẩm chất đặc biệt của tình yêu. Cái hay của khổ thơ là lại liên hệ đến “sóng”, nhân hóa “sóng”: con sóng nào cũng thao thức vỗ mãi suốt đêm ngày vì nhớ bờ không nguôi, không ngủ. Nỗi nhớ của “em” còn hơn thế. Nỗi nhớ thường trực, da diết, mãnh liệt trong ý thức, cả trong tiềm thức.
– Cách diễn đạt về nỗi nhớ của “em” thật độc đáo. “Em” hóa thân vào sóng để bày tỏ cảm xúc, nhờ sóng nói hộ tình yêu của “em” nhưng chưa đủ, “em” muốn tự mình bộc lộ nỗi nhớ thương của mình tới anh, thật da diết, cồn cào.
*/ Lòng chung thủy vừa như một thuộc tính vừa là bản chất của tình yêu chân chính:
Dẫu xuôi về phương bắc
…
Dù muôn vời cách trở
– Dùng hình thức điệp từ ngữ, điệp cấu trúc câu kết hợp với nghệ thuật đối lập qua cách nói ngược “xuôi bắc”, “ngược nam”, tác giả nhấn mạnh rằng: bất chấp sự cách trở của không gian và thời gian, người phụ nữ vẫn giữ vững lời thề vàng đá, vẫn thủy chung son sắt.
– Xuân Quỳnh còn tạo nên một phương mới, duy nhất – phương anh, hợp quy luật tâm lí của những người đang yêu, đang xa, đang nhớ, đang bị và đang muốn đốt cháy cả bản thân mình trong ngọn lửa thiêu đốt của tình yêu. Xuôi hay ngược, Nam hay Bắc đâu có gì quan trọng. Với “em” lúc đó nào cần phân biệt đông, tây, nam, bắc…bốn phương tám hướng, chỉ có một phương duy nhất – phương anh mà thôi!
– Mượn hình ảnh con sóng ngoài khơi xô vào bờ, tác giả thể hiện niềm tin vững chắc vào tình yêu: Dù cuộc đời còn nhiều thử thách gian khổ khó khăn nhưng tình yêu đích thực rồi sẽ đến được bến bờ hạnh phúc.
– So với “Biển” của Xuân Diệu, “Sóng” của Xuân Quỳnh kém vẻ nồng nàn, đắm say, cuồng nhiệt có lẽ bởi cái kín đáo, tế nhị, sâu lắng của người con gái. Sánh với “Thuyền và biển” của chính Xuân Quỳnh thì “Sóng” hiền lành, êm ả hơn. Còn đặt “Sóng” cạnh “Chỉ có sóng và em” (cũng của Xuân Quỳnh) tràn ngập cô đơn: “Lời thương nhớ ngàn năm em muốn nói/ Nhưng bây giờ chỉ có sóng và em…” thì “sóng” ấm áp, hòa dịu hơn.
-> Có thể nói khát khao yêu thương của nhân vật trữ tình thật thiết tha, mãnh liệt, chân thành, sôi nổi. Khao khát được yêu hết mình, sống hết mình cho tình yêu.
- d. Sóng và khao khát tình yêu cao cả, bất tử (khổ 8,9)
– Từ những suy nghĩ về tình yêu, sự hi sinh, lòng chung thủy, nhà thơ mở rộng hơn nghĩ về mối quan hệ giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, giữa cuộc đời mỗi người, tình yêu mỗi lứa đôi và cuộc đời chung, và thiên nhiên vũ trụ, và thời gian vô cùng:
Cuộc đời tuy dài thế
…
Mây vẫn bay về xa
+ Khi làm bài thơ này, Xuân Quỳnh mới 25 tuổi, cả cuộc đời còn ở phía trước nên thấy “dài thế”. Tuy vậy, tác giả đã thấy cái hữu hạn, ngắn ngủi của nó so với thiên nhiên và thời gian vô tận.
+ Giọng thơ tiếc nuối, xót xa. Lời thơ bình thản nhưng ý thơ thật buồn. Tình yêu là sự sống nên làm sao biết hết. Cứ tưởng tình yêu mãi mãi vô sự nhưng sóng đời cứ cuốn theo. “Sóng” trở thành biểu tượng của tình yêu không bình yên trong nhịp điệu.
– Xuân Quỳnh khao khát một tình yêu vĩnh cửu, trường tồn với thời gian, “sóng” lại nói giúp Xuân Quỳnh khao khát ấy:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
+ Câu hỏi day dứt thể hiện khao khát tình yêu cao cả và bất tử. Nhà thơ tìm cách thực hiện khao khát ấy là muốn được “tan ra”, được hóa thân và hòa nhập thành trăm ngàn con sóng nhỏ giữa biển lớn tình yêu của nhân dân và nhân loại. Khát khao, mơ ước thật cao đẹp, bay bổng tuyệt vời. Tình yêu bừng sáng, trí tuệ. Thoát khỏi vòng luẩn quẩn của tình yêu riêng, “sóng” đã có chân trời, có bề rộng cuộc đời để chiêm nghiệm.
+ Trong bài “Tự hát”, Xuân Quỳnh cũng bộc lộ khát vọng được sống hết mình cho tình yêu và được sống mãi với thời gian bằng tình yêu của mình:
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.
PHẦN III. Hướng dẫn kết bài phân tích bài thơ Sóng
III. Tổng kết:
- 1. Nội dung
– Dựa vào việc quan sát, chiêm nghiệm về những con sóng trước biển cả mênh mông, Xuân Quỳnh đã phát hiện ra những cung bậc đa dạng, phức tạp của cảm xúc trong tâm hồn của người phụ nữ đang yêu.
– Niềm khao khát về tình yêu, hạnh phúc của một người phụ nữ vừa truyền thống, vừa hiện đại trong tình yêu.
- 2. Nghệ thuật
– Thể thơ năm chữ tạo âm điệu sâu lắng, dạt dào, như âm điệu của những con sóng biển và cũng là sóng lòng của người phụ nữ khi yêu.
– Cách ngắt nhịp linh hoạt, phóng khoáng và cách gieo vần, phối âm độc đáo, giàu sức liên tưởng
– Giọng thơ vừa thiết tha, đằm thắm, vừa mãnh liệt sôi nổi, vừa hồn nhiên, nữ tính
– Xây dựng hình ảnh ẩn dụ – với hình tượng sóng, vừa mang nghĩa thực, vừa mang nghĩa ẩn dụ
– Bài thơ sử dụng các biện pháp nhân hóa, ẩn dụ, đối lập – tương phản,…
MỞ RỘNG: CÁC NỘI DUNG CÓ THỂ XEM THÊM
1. Hướng dẫn phân tích các bài Thơ và Văn cho kỳ thi THPT
1. 1 Các bài phân tích Thơ
+ Phân tích bài thơ Tây Tiến – Quang Dũng
+ Phân tích bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu
+ Phân tích bài thơ Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm
+ Phân tích bài thơ Sóng – Xuân Quỳnh
1. 2 Các bài phân tích Văn
+ Hạnh phúc của một tang gia – Vũ Trọng Phụng
+ Chí Phèo của Nam Cao
+ Hai đứa trẻ của Thạch Lam
+ Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân)
+ Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường
+ Ông già và biển cả của HÊ-MINH-UÊ
+ Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
+ Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân
+ Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu
+ Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
+ Phân tích bài Hồn Trương Ba, da hàng thị – Lưu Quang Vũ
+ Vợ Nhặt của Kim Lân
2. Kênh tuyển sinh THPT Quốc Gia
– Lịch thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia năm 2023
– Cách tính điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia
– Khối C, tổ hợp của khối C, các ngành khối C, các trường ĐH có khối C
– Khối D, tổ hợp của khối D, các ngành khối D, các trường ĐH có khối D
– Đề thi minh họa môn Văn năm 2022
Gia Sư Thành Tài – đơn vị chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung.